Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là như thế nào?

Môi trường giáo dục ở trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên và xã hội trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là môi trường hoạt động mà trẻ được tham gia xây dựng cùng giáo viên, là môi trường giáo dục dựa vào nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Vì vậy thực hiện việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng được giáo viên ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, tại một số cơ sở Giáo dục mầm non, việc xây dựng môi trường giáo dục của một số giáo viên tại nhóm, lớp chưa hướng vào việc lấy trẻ làm trung tâm, chưa xuất phát từ trẻ, chưa kích thích tình tò mò, khám phá của trẻ, trẻ còn thụ động trong các hoạt động.

Do đó, để thực hiện tốt hơn Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trong những năm học tiếp theo bài viết gợi ý một số nội dung trong việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua tích hợp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm qua các hoạt động của trẻ tại trường mầm non.

Xem thêm: Giáo dục trẻ mầm non thông qua hoạt động vừa học vừa chơi

Các góc chơi được bố trí trong lớp học
Các góc chơi được bố trí trong lớp học

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động giáo dục là quá trình phối hợp linh hoạt và hợp lý những kinh nghiệm, cải tiến các phương pháp dạy học của giáo viên. Đổỉ mới phương pháp nhằm tích cực hoá các hoạt động dạy và học, khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo, dạy học tập trung vào trẻ, lấy trẻ làm trung tâm để phát triển mọi khả năng của trẻ, tổ chức hướng dẫn trẻ học tập bằng cách tự phát hiện khả năng của mình và có niềm tin trong lao động, học tập.

Thông qua hoạt động đón trẻ, trò chuyện đầu giờ

Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giãi bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè, nhờ vậy mà cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn, hoạt động phối hợp nhịp nhàng hơn nên hiệu quả hoạt động cũng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp yêu cô giáo và bạn bè hơn. Do đó, ngay từ đầu giờ giáo viên cần đón trẻ với thái độ niềm nở, trao đổi với trẻ về tình hình, thái độ của trẻ khi trẻ đến lớp tạo môi trường thân thiện an toàn với trẻ, trẻ đến lớp với tâm thế vui tươi, phấn khởi.

Giáo viên trò chuyện đầu giờ cùng trẻ
Giáo viên trò chuyện đầu giờ cùng trẻ

Thông qua việc tổ chức các hoạt động học trong ngày của trẻ

Đối với nội dung này, giáo viên cần xác định trọng tâm kiến thức, kỹ năng, mục tiêu bài học và các hình thức tổ chức hoạt động trong tiết dạy; Chuẩn bị hệ thống câu hỏi, những nội dung khó, mục đích giải quyết ở lớp; Dự kiến những tình huống ở trẻ và cách khắc phục. Giáo viên cũng cần quan tâm đến việc lựa chọn hình thức tổ chức tiết học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất  của lớp phù hợp với đề tài dạy và lĩnh vực đã chọn.

Căn cứ vào nội dung và mục đích cụ thể của bài dạy để xác định cách tổ chức hoạt động cho trẻ làm thế nào để có kết quả cao nhất. Khi tổ chức các hoạt động giáo viên cần chia trẻ thành từng nhóm, mỗi nhóm có đội trưởng nhằm cho các thành viên tự quan sát, thảo luận, rồi mời nhóm trưởng thuyết trình ý kiến của nhóm mình đưa ra. Sau đó giáo viên là người tổng hợp mọi ý kiến, đưa ra kết quả chung cho cả lớp hiểu vấn đề.

Giờ học âm nhạc của cô và trẻ
Giờ học âm nhạc của cô và trẻ

Ví dụ: Nếu mục đích của bài dạy chủ yếu rèn kỹ năng thì coi trọng cách học cá nhân của trẻ. Giáo viên thực hiện việc đổi mới phương pháp lấy trẻ làm trung tâm không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn phương pháp cũ mà về cơ bản vẫn phải tuân thủ các bước trong suốt tiến trình của tiết học, vẫn phải dựa trên cơ sở phương pháp dạy đặc trưng các bộ môn.

Đổi mới phương pháp là cách học “Lấy trẻ làm trung tâm” dưa trên sự hiểu biết, hứng thú nhu cầu của trẻ mà ta đưa ra nội dung bài dạy, kiến thức sao cho phù hợp với trẻ. Hình thức tổ chức tiết học đa dạng, phong phú tuỳ vào sự sáng tạo của giáo viên để tiết học trở nên nhẹ nhàng, không gò bó, áp đặt trẻ theo đúng tính chất: “Học mà chơi, chơi mà học” của trẻ mầm non.

Thông qua các hoạt động góc

Chơi ở hoạt động góc là hoạt động quan trọng nhất trong ngày của trẻ, trẻ được chủ động hơn so với các hoạt động có hướng dẫn của giáo viên. Khi chơi hoạt động góc trẻ được hóa mình vào nhân vật, thể hiện cá tính riêng của nhân vật phù hợp với cuộc sống đời thực. Khi tổ chức hoạt động góc giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng đồ chơi học tập, phong phú đa dạng, phù hợp với chủ đề đang thực hiện.

Xem thêm: 10 cách dạy tiếng anh cho trẻ mầm non của người Nhật

Trẻ chơi hoạt động tại góc xây dựng
Trẻ chơi hoạt động tại góc xây dựng

Thông qua hoạt động ngoài trời

Giáo viên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ: Cho trẻ trồng rau, quan sát rau, bắt sâu cho rau. Trẻ đưa ra những lập luận vì sao phải trồng rau, trồng rau để làm gì ? Muốn rau lớn nhanh thì phải làm thế nào? Hoặc cho trẻ nhặt lá cây, thu gom rác, quét dọn sân trường…

Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua ngày hội ngày lễ

Tùy theo nội dung hoạt động của ngày hội, ngày lễ, giáo viên có thể lựa chọn nội dung, hình thức phong phú, phù hợp thời điểm giúp trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.

  Hoạt động nêu gương, trả trẻ cuối ngày

Trước giờ trả trẻ cô có thể trò chuyện vui vẻ với trẻ về các hoạt động trong ngày đã diễn ra. VD: ngày hôm nay con cảm thấy như thế nào? Hôm nay con thấy các bạn như thế nào ….? Qua buổi trò chuyện cuối ngày trẻ hiểu được những việc nào trẻ thực hiện được và những việc trẻ chưa hoàn thành và cố gắng hoàn thành vào buổi học sau.

Một số gợi ý trong việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua tích hợp xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm qua các hoạt động của trẻ tại trường mầm non trên đây sẽ giúp giáo viên tự tin hơn trong quá trình giảng dạy, qua đó có các phương pháp rèn luyện giáo dục tốt hơn, không những thế trẻ còn hứng thú, phát huy được mọi khả năng tiềm ẩn trong mỗi cá thể trẻ, trẻ năng động linh hoạt, tích cực hơn trong quá trình học và chơi, từ đó hình thành ở trẻ tính tự lập, kỹ năng sống mới, đánh dấu bước hình thành và phát triển nhân cách mới ở trẻ tạo tâm thế vững chắc cũng như tiềm năng cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo./.

5/5 - (9 bình chọn)

1 bình luận về “Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là như thế nào?

  1. Pingback: Ích lợi hoạt động dạo chơi ngoài trời đối với trẻ mầm non

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *